Hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh chưa trưởng thành cho đến khi chúng được khoảng hai đến ba tháng tuổi. May mắn thay, những kháng thể được tiếp nhận thông qua nhau thai khi bé còn trong bụng mẹ vẫn tiếp tục được hoạt động và bảo vệ bé trong vài tuần đầu tiên khi bé được sinh ra. Bên cạnh đó, sữa mẹ chứa rất nhiều kháng thể, do đó sữa mẹ sẽ giúp bé tăng cường hệ thống miễn dịch.
Hãy nhớ rằng trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm virus. Dưới đây là một số loại virus cần chú ý:
- Virus dạ dày: Các virus đường tiêu hóa có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh. Chúng có thể gây ra tình trạng mất nước do tiêu chảy. Virus này có thể nhanh chóng lây lan vào máu nếu chúng tấn công trong tháng đầu đời của trẻ, có thể gây tổn thương gan, viêm màng não, viêm não và viêm tim.
- Virus hợp bào hô hấp (RSV): Trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi bị nhiễm virus này thường phải nhập viện, nó có thể gây ra viêm tiểu phế quản – một tình trạng mà các đường dẫn khí nhỏ trong phổi bị sưng lên ngăn chặn luồng không khí và chứa đầy chất nhầy. RSV cũng gây ra bệnh viêm phổi.
- Cúm: Trẻ sơ sinh bị cúm nặng hơn trẻ lớn hơn và người lớn.
3 cách để giảm nguy cơ nhiễm virus cho bé:
- Hạn chế tiếp xúc với người khác và yêu cầu họ rửa tay trước khi chạm vào trẻ: Hai tháng đầu đời được coi là thời điểm quan trọng cho sự phát triển của bé nên để cố gắng hạn chế phơi nhiễm càng nhiều càng tốt vì trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm virus từ những người thậm chí còn chưa biết mình đang lây nhiễm
- Theo dõi cơn sốt: Các bác sĩ rất khó xác định liệu virus hoặc vi khuẩn có đang gây bệnh cho trẻ sơ sinh hay không. Do đó nên thận trọng theo dõi cơn sốt của bé. Bất kỳ cơn sốt nào từ 38 độ trở lên đều có thể khiến bé phải nhập viện để điều trị kháng sinh qua đường tĩnh mạch. Trong một số trường hợp, các bác sĩ sẽ chỉ định chọc dò tủy sống để loại trừ tình trạng viêm màng não
- Tiêm vaccine: Việc tiêm vaccine giúp cho bé tăng cường miễn dịch và phòng ngừa virus.
Nguồn: https://health.clevelandclinic.org/is-your-newborn-babys-immune-system-strong-enough/